MẶT NẠ 1: [TỔNG QUAN VỀ CÁC LOẠI MẶT NẠ DƯỠNG DA]

Từ ngày xưa chị em phụ nữ đã ý thức được tầm quan trọng của việc đắp mặt nạ đối với việc chăm sóc da mặt hằng ngày để có được 1 làn da khoẻ mạnh, tươi tắn. Có thể ban đầu chỉ từ những nguyên liệu thô sơ, có sẵn trong tự nhiên như các loại trái cây, thảo dược, mật ong, cám gạo cũng trở thành nguyên liệu đắt giá trong quá trình chăm sóc và cải thiện làn da. Ngày nay, với sự phát triển của nhiều công nghệ hiện đại đã nghiên cứu và phát triển ra vô số loại mặt nạ đa dạng về nguồn gốc, dạng sản xuất, công dụng và cách thức sử dụng … để phục vụ nhu cầu đa dạng và ngày càng gia tăng của chị em phụ nữ cũng như cánh đàn ông. Vì vậy, bài viết hôm nay sẽ chia sẻ cho các bạn một số kiến thức cơ bản về các loại mặt nạ hiện đang phổ biến trên thị trường để mọi người có thể chọn lựa được những sản phẩm phù hợp nhất.

Có rất nhiều cách phân loại mặt nạ:

  • Theo nguồn gốc: có nguồn gốc từ thiên nhiên hay từ những hoạt chất tổng hợp.
  • Theo dạng sản xuất: bột, kem, gel, giấy,…
  • Theo công dụng: dưỡng ẩm, sáng da, nếp nhăn, phục hồi, tẩy tế báo chết, trị mụn, kháng viêm,…
  • Theo hình thức sử dụng: lột, rửa lại, để qua đêm,…
  • Theo vị trí sử dụng: mặt, môi, mắt, cổ,…

Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về hai cách phân loạ: phân loại theo nguồn gốc và phân loại theo dạng sản xuất nhé!

          NỘI DUNG CHÍNH:
                     Phân loại theo nguồn gốc
                     Phân loại theo dạng sản xuất

Phân loại theo nguồn gốc

trái cây tổng hợp

Theo nguồn gốc mặt nạ chiết xuất từ tự nhiên (cụ thể là thực phẩm) chủ yếu là các loại trái cây như:

Chuối: có hàm lượng cao các Vitamin A và E, giúp cho làn da mềm mại, mịn màng.

Dứa: Giàu Vitamin C, chống oxy hoá, làm chậm quá trình lão hoá đa, sáng da, ngoài ra còn có hoạt chất Alpha Hydroxyl Acid- 1 thành phần chống nếp nhăn, tẩy tế bào chết và tái tạo da mới.

Cà chua: giàu Vitamin C và E, Carotene, Sắt, Kali giúp da trắng mịn, trị mụn, trẻ hoá…

Bơ: giàu Vitamin A và các chất chống oxy hoá.

Dưa leo: giúp làm sạch, sáng mịn da.

Khoai tây: giàu Vitamin C giúp trẻ hoá, sáng da.

Phân loại theo dạng sản xuất

các loại mặt nạ

Mặt nạ có thành phần tổng hợp thì phong phú hơn về hoạt chất, tuỳ vào mục đích sử dụng sẽ sản xuất ra những mặt nạ có thành phần khác nhau.

Những loại mặt nạ phổ biến hiện nay trên thị trường:

+ Mặt nạ giấy

Mặt nạ giấy còn được gọi là Sheet mask, được làm bằng giấy, sợi bông hoặc vải không dệt, cắt theo hình khuôn mặt và ngâm trong dung dịch dưỡng da dạng gel hoặc dạng lỏng. Chứa nhiều thành phần cấp ẩm như Glycerin, Hyaluronic Acid, gel nha đam… 

Cách sử dụng đơn giản, tiện lợi chỉ cần gỡ ra và đắp lên mặt khoảng 10-15p rồi gỡ ra mà không cần rửa lại.

Đây là loại mặt nạ duy nhất có thể sử dụng thường xuyên hằng ngày.

Mục đích chủ yếu của mặt nạ giấy là để cấp ẩm, phục hồi da, cung cấp nước và dưỡng chất giúp da luôn trong trạng thái căng mịn.

Có rất nhiều sản phẩm đa dạng phong phú trên thị trường tuỳ vào tình trạng da mà các bạn có thể chọn lựa loại mặt nạ giấy phù hợp.

Ưu điểm : giá cả hợp lý, tiện lợi, an toàn phù hợp với mọi loại da.

Nhược điểm: có khả năng kích ứng nhẹ khi sử dụng những loại mặt nạ giấy có nhiều mùi hương dễ gây kích ứng.

+ Mặt nạ dạng kem

Là một loại mặt nạ có kết cấu dạng đặc giống như một loại kem dưỡng da thông thường.

Cách sử dụng cũng tương đối đơn giản, chỉ cần đắp 1 lượng vừa đủ trên da trong 15-20p sau đó rửa mặt nhẹ nhàng bằng nước sạch.

Công dụng chính của mặt nạ này chứa nhiều thành phần dưỡng ẩm, chống lão hoá, phục hồi da. Phù hợp với những làn da khô, lão hoá nhiều.

Có thể sử dụng 2-3 lần/ tuần giúp giải độc, phục hồi da và trẻ hoá, căng mịn.

+ Mặt nạ bùn/đất sét

Là một sản phẩm có thành phần chiết xuất từ đất sét hoặc bùn khoáng, chứa nhiều hợp chất thiên nhiên như Mg, Sắt, Canxi, Photpho, Na, Đồng, Kẽm…

Cách sử dụng: bôi một lớp vừa đủ trên da, đến khi lớp bùn khoáng đất sét bắt đầu vừa se lại thì vệ sinh làm sạch da bằng nước sạch.

Công dụng chính của mặt nạ bùn/đất sét thích hợp cho da dầu nhờn nhiều, mụn đầu đen, mụn cám, lỗ chân lông to vì có khả năng hút dầu thừa tăng sức khoẻ cho làn da. Mặt nạ có khả năng thanh lọc, giảm dầu, làm sạch sâu bụi bẩn, se khít lỗ chân lông, khử độc, cung cấp khoáng giúp da trẻ hoá, căng mịn.

Có thể sử dụng tối đa 1-2 lần/ tuần tuỳ tình trạng da.

Lưu ý: đối với da khô và da nhạy cảm không nên sử dụng quá nhiều lần/tuần và không nên để mặt nạ quá lâu trên da để tránh tình trạng da khô rát và kích ứng.

+ Mặt nạ dạng lột

Đây là 1 dạng mặt nạ có cấu tạo như gel, cách sử dụng là bôi 1 lớp mỏng lên da, đợi mặt nạ khô lại rồi nhẹ nhàng lột ra sau đó làm sạch nhẹ nhàng bằng nước sạch.

Mục đích chính của mặt nạ này là sau khi lột đi lớp gel, mặt nạ sẽ lấy đi tế bào da chết, bụi bẩn, mụn đầu đen… giúp làm sạch sâu, se khít lỗ chân lông, giúp tăng hiệu quả dưỡng da, da căng mịn, hỗ trợ điều trị mụn.

Dạng mặt nạ này thích hợp đối với da dầu, mụn đầu đen, mụn ẩn, có thể sử dụng tối đa 1-2 lần/tuần.

Lưu ý nhỏ khi sử dụng mặt nạ này là khi lột mặt nạ cần nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương da, đặc biệt đối với da khô và nhạy cảm. Sau khi lột bỏ lớp mặt nạ, cần vệ sinh nhẹ nhàng bằng nước sạch sau đó bắt đầu quy trình chăm sóc da bằng mỹ phẩm sẽ tăng hiệu quả thẩm thấu vào da.

+ Mặt nạ ngủ

Là một loại mặt nạ được sử dụng để trên da qua đêm, trong quá trình ngủ, những dưỡng chất trong mặt nạ sẽ hấp thu hoàn toàn vào da để đem lại 1 làn da mịn màng vào buổi sáng khi thức dậy

Đa số các mặt nạ ngủ có cấu tạo dạng gel, có khả năng thẩm thấu cao.

Thành phần trong mặt nạ đa dạng để đáp nhiều nhu cầu khác nhau như: dưỡng ẩm, cấp nước, điều tiết dầu, chống oxy hoá, cải thiện quá trình lão hoá da, làm trắng sáng da…

Có thể sử dụng 2-3 lần/ tuần. Tuy nhiên việc đắp mặt nạ ngủ không phải để thay thế cho quá trình dưỡng ẩm da ban đêm. Vì vậy, cần phối hợp cả việc chăm sóc da đầy đủ thì mới có được một làn da khoẻ, căng mịn.

+ Mặt nạ đặc trị

Đây là một nhóm mặt nạ thường được khuyến cáo của các Bác sĩ Da liễu để hỗ trợ điều trị một vấn đề cụ thể trên da.

Thành phần các hoạt chất trong mặt nạ thường có hoạt tính mạnh, hỗ trợ sau những liệu trình xâm lấn, điều trị chuyên sâu, ví dụ như những mặt nạ chứa thành phần kháng viêm, giảm đau được sử dụng sau những liệu trình xâm lấn như Laser, lăn kim….

Một số vấn đề da như mụn, nám, nếp nhăn cũng sẽ được chỉ định những loại mặt nạ phù hợp để hỗ trợ cho quá trình điều trị hiệu quả hơn.

Đối với nhóm mặt nạ này thường giá thành khá cao, không được bán rộng rãi trên thị trường và cần có sự chỉ định của các Bác sĩ điều trị.

Để lựa chọn được những loại mặt nạ phù hợp cần lưu ý những vấn đề sau:

ー Tuỳ vào loại da và vấn đề của da mà lựa chọn những loại mặt nạ phù hợp.

ー Không lạm dụng sử dụng quá nhiều loại mặt nạ cùng một lúc sẽ dẫn đến những phản ứng ngược gây tác động xấu lên da.

ー Sử dụng đúng hướng dẫn và chỉ định của từng loại mặt nạ.

ー Mặt nạ chỉ là một bước hỗ trợ cần thiết nhưng không thay thế hoàn toàn những sản phẩm bôi để chăm sóc và điều trị da.

ー Đối với da yếu và nhạy cảm nên có sự tư vấn của các Bác sĩ Da liễu.

Bài viết này chia sẻ những kiến thức cơ bản và phân tích những loại mặt nạ phổ biến hiện nay đang được sử dụng rộng rãi, hi vọng sẽ giúp cho mọi người lựa chọn được những loại mặt nạ phù hợp nhất để có được một làn da tươi trẻ và sáng mịn.

Tác giảBác sĩ Da liễu Đào Hải Trâm Oanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *