Không thể phủ nhận bàn chân là bộ phận nâng đỡ và chịu đựng trọng lượng của toàn bộ cơ thể. Ấy vậy mà bàn chân còn phải chịu sự bó buộc trong những đôi giày cao gót, những tổn thương khi chủ nhân của nó đi chân trần. Mọi người có cảm nhận được đôi chân phải chịu thiệt thòi nhiều như thế nào chưa? Vì thế, chúng ta phải đặc biệt quan tâm, dành cho đôi chân sự dịu dàng, yêu thương và chăm sóc đúng cách. Và trong bài viết này, b.glen sẽ chia sẻ với mọi người về cách chăm sóc một bộ phận quan trọng của bàn chân – chính là gót chân nhé!
1. Nguyên nhân khiến gót chân thô ráp
Da gót chân dễ bị khô do không có tuyến bã nhờn
Gót và lòng bàn chân vốn là những bộ phận có xu hướng bị khô trên cơ thể và nguyên nhân chính là không có tuyến bã nhờn. Bên cạnh đó, gót chân có lớp sừng dày hơn các vùng da khác nên lượng nước phân bổ đến vùng da gót chân cũng ít hơn và da sẽ trở nên khô hơn. Đặc biệt, vào những lúc thời tiết hanh khô, khả năng của da bị suy giảm, cùng với sự lão hóa da theo thời gian cũng khiến gót chân bị khô.
Phải nâng đỡ trọng lượng của toàn bộ cơ thể và chịu nhiều tác động từ bên ngoài
Khi đứng, chúng ta phải dồn trọng lượng vào lòng bàn chân để có thể giữ thăng bằng và gánh nặng đó được cho là 70% trọng lượng của cơ thể. Khi đi bộ, da dưới gót chân ma sát với sàn, mặt đất, giày dép sẽ khiến da bị kích thích, chất sừng sẽ dày lên như một phản ứng tự vệ, bảo vệ gót chân khỏi các tác động của môi trường bên ngoài.
Khi đi hoặc đứng bị sai tư thế
Thói quen đi lại và vận động sai tư thế cũng có thể sẽ tạo gánh nặng nhiều hơn cho gót chân. Từ đó, da gót chân sẽ bị dày hơn và khiến gót chân không được mịn màng.
Rối loạn sự trao đổi chất và tái tạo của da
Lưu lượng máu có xu hướng kém lưu thông hơn ở các phần cuối cơ thể như tay chân, từ đó làm chậm quá trình trao đổi chất và tái tạo của da. Kết quả là các tế bào da chết tích tụ trên gót chân trở nên dày và thô ráp. Nếu không được chăm sóc, gót chân có thể bị nứt, thậm chí là chảy máu. Ngoài ra, sự mất cân bằng hormone do quá trình lão hóa và căng thẳng cũng làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và tái tạo da.
Thói quen gây khô gót chân
Đôi khi những thói quen hằng ngày tưởng chừng như vô hại nhưng lại gây ảnh hưởng đến gót chân một cách bất ngờ, ví dụ như: sử dụng điều hòa nhiều, thường xuyên đi chân trần, đi giày dép không vừa chân, chà sát chân quá mạnh,…
2. Chăm sóc gót chân đúng cách
Chăm sóc gót chân đúng cách không nhất thiết phải sử dụng các liệu pháp spa đắt tiền hoặc các sản phẩm dưỡng da gót chân sang trọng, cao cấp mà chỉ cần bạn dành cho nó sự yêu thương, dịu dàng chăm sóc mỗi ngày. Với vài phút mỗi ngày có thể giúp gót chân đỡ thô ráp, giúp hỗ trợ bạn nhiều hơn trong các hoạt động thường ngày và ngăn ngừa da nứt nẻ, nhiễm trùng.
Cải thiện từ những thói quen cơ bản
Quy trình chăm sóc da gót chân nói riêng và bàn chân nói chung cần tuân theo là ngâm chân, tẩy tế bào chết và dưỡng ẩm. Trước tiên, nên ngâm chân trong nước ấm tầm 10 phút. Sau đó, chà nhẹ gót chân bằng đá bọt để loại bỏ da chết, làm sạch gót chân và thoa kem dưỡng ẩm. Lưu ý, ở bước chà gót chân bạn không được chà sát quá mạnh mà phải thật nhẹ nhàng, vừa giúp làm sạch phần da chết, vừa cải thiện lưu thông máu ở chân. Bạn có thể thực hiện ngâm và chà chân khoảng hai hoặc ba lần một tuần, nhưng phải đảm bảo thoa kem dưỡng ẩm cho bàn chân và gót chân mỗi ngày hai lần. Vào ban đêm, sau khi dưỡng ẩm tốt nhất nên đi tất cotton để các chất dưỡng ẩm thấm vào da và phát huy tác dụng tối ưu. Tuy nhiên, nên tránh các loại tất như tất len và tất tổng hợp vì có thể gây kích ứng da.
Kem dưỡng ẩm cho gót chân
Việc lựa chọn kem dưỡng ẩm cho gót chân cũng cần được chú ý. Nên lựa chọn chất dưỡng ẩm có chứa ure, axit lactic hoặc axit salicylic vì chúng giúp da mềm mại. Và việc dưỡng ẩm cho gót chân được khuyến khích nên thực hiện thường xuyên. Thậm chí, nhiều người đã bắt đầu việc dưỡng ẩm cho bàn tay và bàn chân của con trẻ họ ngay sau khi chúng biết đi. Khi thấy bàn chân có dấu hiệu của những vết nứt nhẹ hoặc da khô,dày, hãy bắt đầu sử dụng ngay kem dưỡng ẩm dành cho da chân để chăm sóc gót chân thật tốt nhé!
3. Những điểm cần lưu ý để ngăn ngừa gót chân bị thô ráp
Không đi giày không vừa chân
Mang giày đúng kích cỡ là một việc làm rất quan trọng để bảo vệ và giúp da dưới góp chân bớt dày hơn. Ngoài ra, cần nên cân nhắc trong việc buộc dây giày hay xem xét chiều cao của giày cao gót khi lựa chọn. Nếu phải đi giày cao gót thường xuyên, hãy thư giãn đôi chân bằng cách ngâm, xoa bóp và dưỡng ẩm cho nó nhé!
Sử dụng tất
Có thể nhiều người thích để chân trần, tuy nhiên việc để bàn chân ma sát trực tiếp nhiều với mặt sàn có thể khiến vùng da gót chân bị dày và chai hơn. Việc mang tất sẽ giúp bảo vệ bàn chân và tất đóng vai trò như một lớp đệm tạo sự êm dịu cho gót chân.
Lưu ý
Khi chà sát gót chân cần phải thực hiện thật nhẹ nhàng, đặc biệt là khi sử dụng đá bọt. Cần tránh những máy chà da bằng thép vì chúng có thể bị gỉ sét, nếu sơ ý có thể khiến da bị trầy xước và gây nhiễm trùng da. Ngoài ra, nếu có các vết xước sâu gây đau, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu vì đó có thể là bệnh chàm, bệnh vẩy nến hoặc bất kỳ bệnh nào khác
KẾT LUẬN:
Nếu bạn chưa bao giờ chăm sóc gót chân của mình hoặc đã xuất hiện các vết nứt, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu thói quen chăm sóc, tẩy tế bào chết, dưỡng ẩm cho gót chân. Tuy nhiên, cần phải kiên trì thực hiện, đừng dừng lại khi bạn cảm thấy gót chân của mình đã ổn mà hãy duy trì để gìn giữ gót chân luôn trong trạng thái tốt nhất.