Đối với người dân Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, chị em luôn ưa chuộng một làn da trắng sáng, vì vậy những loại mỹ phẩm được các chị em lựa chọn luôn có mục đích làm sáng da.
Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm làm trắng, tuy nhiên về độ an toàn và hiệu quả thì vẫn còn nhiều vấn đề: làm sao để lựa chọn được những sản phẩm chất lượng và sử dụng làm sao để đạt được mục đích làm da trắng sáng hơn.
Những thành phần quen thuộc như Vitamin C, Arbutin, Hydroquinone… hầu như có mặt trong tất cả các loại trị nám, dưỡng trắng da. Nhưng không ít người lại có tình trạng da sạm hơn sau một thời gian sử dụng sản phẩm. Vậy thì hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu xem nguyên nhân thật sự đến từ đâu nhé!
NỘI DUNG CHÍNH: Da sạm hơn sau khi sử dụng Vitamin C Da sạm hơn sau khi sử dụng những loại kem trị nám có dẫn xuất Vitamin A và những thành phần khác
Da sạm hơn sau khi sử dụng Vitamin C
Một số ý kiến nhận thấy rằng sau một thời gian sử dụng C Serum, có thể làm da sạm hơn và có hai yếu tố có thể gây nên tình trạng này.
– Yếu tố thứ nhất: Hiện tượng này xảy có thể do thành phần Vitamin C đã bị oxy hoá khiến da trở nên sạm màu hơn. Việc oxy hoá này có thể xảy ra trong lọ bảo quản serum hoặc xảy ra sau khi Vitamin C được bôi lên da. Khi bị oxy hóa, Vitamin C sẽ thoái hóa thành Erythrulose, có màu vàng nâu nên gây cảm giác da sạm hơn sau khi sử dụng. Tác dụng rám nắng của Erythrulose sẽ chỉ kéo dài khoảng 1 tuần. Ngoài ra, Erythrolose cùng một thành phần khác là Dihydroxyacetone (DHA) gây tối màu da thông qua phản ứng Maillard. Quá trình này tạo ra các gốc tự do, tăng tốc độ tổn hại da bởi ánh nắng mặt trời và làm hỏng DNA, gây lão hoá da. Đây là vấn đề gây hậu quả nguy hiểm hơn cả việc có thể gây sạm da tạm thời khi sử dụng Vitamin C đã bị oxy hoá từ trước. Để tránh được việc oxy hoá xảy ra do bảo quản, cần lưu ý về môi trường bảo quản serum, hạn sử dụng, cách lấy serum… Cách nhận biết sản phẩm serum đã bị oxy hoá là sản phẩm có thể thay đổi về màu sắc và mùi…. Thường sau khi mở nắp sử dụng khoảng 3 tháng sẽ bắt đầu xảy ra hiện tượng Oxy hoá. Sau khi bị Oxy hoá, có thể sản sinh ra một số hoạt chất có thể gây sạm da tạm thời. Nếu ngưng không sử dụng sản phẩm, tình trạng này có thể giảm trong vòng 1-2 tuần.
Cần phải lưu ý những vấn đề sau để hạn chế tình trạng này:
- Sử dụng đều đặn thường xuyên sau khi mở nắp trước 3 tháng.
- Lựa chọn những dẫn xuất Vitamin C có tính ổn định cao.
- Có thể sử dụng Vitamin C dạng bột, đây là dạng lý tưởng để giữ tính ổn định của Vitamin C.
- Bảo quản sản phẩm trong phòng nhiệt độ mát, tránh ánh nắng, ánh đèn lớn, có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
- Có thể test độ pH của sản phẩm trước khi bôi lên bề mặt da, nồng độ tối ưu pH 3-3.5
– Yếu tố thứ hai: chính là xảy ra quá trình Oxy hoá sau khi serum được bôi trên bề mặt da. Với sự tác động của môi trường xung quanh sẽ làm biến đổi độ pH da dẫn đến biến đổi hoạt động của Vitamin C. Các chế phẩm vitamin C cũng có thể làm mất màu trên bề mặt da khi chúng tiếp xúc với oxy từ môi trường. Dấu hiệu là da có thể chuyển vàng hoặc cam vào buổi sáng sau khi bôi Vitamin C qua đêm.
Để hạn chế hiện tượng này, cần lưu ý những vấn đề sau:
- Sau khi serum C thẩm thấu hoàn toàn vào da, cần sử dụng một lớp dưỡng ẩm dạng Cream hoặc Oil để giảm bớt mức độ Oxy hoá của môi trường lên serum C
- Có thể chuyển sang sử dụng Vitamin C vào buổi tối thay vì buổi sáng đề hạn chế tác động oxy hoá của môi trường.
- Thường xuyên tẩy tế bào chết, làm sạch lỗ chân lông (2-3 lần/ tuần) làm giảm bớt tình trạng dầu thừa trên da, ổn định độ pH và làm da trông sáng màu hơn.
Da sạm hơn sau khi sử dụng những loại kem trị nám có chứa dẫn xuất của Vitamin A ( Hydroquinone, Tretinoin..) và những thành phần khác (Arbutin, Tranexamic Acid …)
Tuy mỗi hoạt chất điều trị nám đều có một vài cơ chế khác nhau nhưng nhìn chung đối với da đang điều trị nám thì khả năng nhạy cảm với tia UV luôn cao hơn trạng thái bình thường. Vì vậy, nếu đang sử dụng các loại kem trị nám nhưng không có quy trình chăm sóc và bảo vệ da hợp lý thì khả năng tăng sắc tố xảy ra khá cao.
Một hoạt chất được sử dụng khá phổ biến trong các loại kem trị nám đó là Hydroquinone và dẫn xuất của Vitamin A ( Tretinoin, Retinol..) . Cơ chế chính của những hoạt chất này là ức chế Enzyme Tyrosinase, ngăn chặn con đường chuyển hoá Melanin. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây bong tróc nhẹ và tái tạo bề mặt da, vì vậy da niêm mạc sẽ trở nên khô hơn và nhạy cảm hơn với các tác nhân của môi trường như nhiệt độ, tia UV và các ánh sáng nhìn thấy.
Để hạn chế nhược điểm này, những thành phần an toàn hơn để điều trị nám như Arbutin, Tranexamid Acid, Kojic Acid, Azaleic Acid… đang là những hoạt chất được sử dụng nhiều trong những sản phẩm điều trị nám an toàn.
Tuy nhiên để hạn chế khả năng tăng sắc tố cần lưu ý một vài vấn đề sau:
- Sử dụng đúng nồng độ được cho phép của các sản phẩm đặc trị điều trị nám ( Hydroquinone, Tretinoin..).
- Lựa chọn sản phẩm an toàn, rõ thành phần, nguồn gốc xuất xứ.
- Sử dụng có sự theo dõi của Bác sĩ Da liễu.
- Chế độ dưỡng ẩm da hợp lý: kem dưỡng, xịt khoáng, nước uống…
- Bảo vệ da đầy đủ: Viên uống chống nắng, Bôi kem chống nắng đúng cách, đủ liều quy định.
Bài viết chia sẻ một số nguyên nhân và phương pháp khắc phục tình trạng sạm da không mong muốn khi sử dụng những sản phẩm chăm sóc và điều trị da, hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn tránh được tình trạng này.
Tác giả: Bác sĩ Da liễu Đào Hải Trâm Oanh