[ BẠN BIẾT GÌ VỀ MỤN? ] Kỳ 2: Cơ chế của mụn

Ngay cả khi bạn không cảm nhận thấy, mụn vẫn có thể được hình thành bí mật sâu bên trong lỗ chân lông, sau đó tình trạng viêm xảy ra và mụn bắt đầu nổi lên bề mặt da. Nhận biết được cơ chế hình thành và giai đoạn phát triển của mụn sẽ giúp bạn hiểu rõ cách thức chăm sóc hiệu quả, đúng cách nhất.

Lỗ chân lông bị tắc nghẽn

Lỗ chân lông bị tắc và bã nhờn bắt đầu hoạt động là khởi đầu khiến da gặp rắc rối. Khi gặp phải các “combo” như tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, tắc nghẽn lỗ chân lông, vi khuẩn gây mụn sinh sôi nhanh chóng… mụn dễ dàng hình thành ngay trong lỗ chân lông mà không nổi lấm tấm, hay biểu hiện lên trên da.

Da được trang bị sẵn tuyến bã nhờn để tiết ra bã nhờn, trong điều kiện da khỏe mạnh, bã nhờn này sẽ thông qua lỗ chân lông đến bề mặt của da và đóng vai trò như tấm màng bảo vệ độ ẩm cho da. Tuy nhiên, khi tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, tế bào chết quá nhiều hoặc do nguyên nhân nào đó khiến lỗ chân lông tắc nghẽn, bã nhờn cần vận chuyển đến bề mặt da sẽ bị giữ lại và dần dần tích tụ. Vị trí bị tắc nghẽn này trở thành “mồi ngon” thu hút vi khuẩn gây mụn và vi khuẩn ăn bã nhờn làm chất dinh dưỡng tập trung lại, từ đó hình thành nên mụn đầu trắng – giai đoạn đầu của mụn.

Nếu bạn để ý và chăm sóc mụn ngay thời điểm này, bạn sẽ ngăn chặn được giai đoạn tiếp theo của nó.

Mụn bắt đầu tiến triển

Khi lớp sừng trở nên dày và cứng chính là dấu hiệu cho thấy mụn đang bắt đầu hình thành. Khi bắt đầu nổi mụn, bạn hầu như không nhận thấy từ bề mặt da. Tuy nhiên, khi chất sừng quanh lỗ chân lông trở nên cứng và dày hơn, bã nhờn và tế bào chết bắt đầu tích tụ trong lỗ chân lông, bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy những hạt nhỏ lấm tấm nổi lên, kể cả thấy được tình trạng viêm của mụn.

Nhân mụn hình thành do những tụ bã nhờn bị tắc nghẽn hóa rắn, và nó bịt cửa miệng của lỗ chân lông như những cái nút, khiến cho sự bài tiết bã nhờn lên bề mặt da bị ngưng trệ, ứ đọng lại. Vi khuẩn gây mụn ăn bã nhờn sẽ sinh sôi nhanh chóng, lúc này cơ thể sẽ sinh ra việc kháng cự. Các nốt này trở nên đỏ và sưng, trong vài tình huống nặng hơn, nó sẽ phát triển tới tình trạng có mủ khiến bạn cảm thấy đau, sau một thời gian, tình trạng này sẽ giảm nhưng sắc tố da bị ảnh hưởng (thâm nám) và trường hợp để lại sẹo rất dễ xảy ra.

Mụn vẫn có thể phát triển tiếp hoặc tái lại trong lúc bạn nghĩ rằng đây là dấu hiệu mụn đã khỏi, vì vậy, trước khi mụn tiếp tục gây hại đến làn da của bạn lần nữa, hãy bảo vệ da với biện pháp phù hợp và kịp thời.

Quá trình sừng hóa

Yếu tố quyết định một làn da đẹp chính là khả năng tái sinh “mượt mà” của da. Làn da có một chu kì tái sinh nhất định (khoảng 28 ngày hoàn thành một chu kì). Quá trình sừng hóa bắt đầu ở lớp đáy, các tế bào ở lớp đáy sẽ hình thành các tế bào mới và dần dần di chuyển lên phía trên về hướng bề mặt da, nhờ quá trình sừng hóa lớp tế bào mới thay thế lớp tế bào lâu đời nhất trên bề mặt, mà vẻ đẹp và sức khỏe của làn da luôn được bảo vệ.

Khi quá trình này không được diễn ra thuận lợi, làn da rất dễ xảy ra tình trạng mụn. Lớp sừng cũ (lớp tế bào chết) đáng lẽ phải bóc tróc ra và thay bằng lớp sừng mới, thì chúng lưu lại trên bề mặt da gây tắc nghẽn lỗ chân lông.

Bạn sẽ mất khoảng 28 ngày cho một chu kì thay da ở độ tuổi đôi mươi, và thời gian bắt đầu tăng lên khi bạn già đi, mụn ở người trưởng thành rất khó chữa trị và dễ để lại sẹo vì khả năng tái tạo của da kém dần. Ngoài ra, chức năng rào cản chống các tác nhân bên ngoài và bảo vệ độ ẩm bên trong da cũng suy yếu, khiến làn da người trưởng thành dễ gặp rắc rối hơn so với da độ tuổi thiếu niên.

Để hỗ trợ tốt nhất cho quá trình sừng hóa, bạn không chỉ cần một chế độ chăm sóc da hợp lí mà còn cần cung cấp nhiều loại vitamin cần thiết cho da từ sâu bên trong nữa.

Mối quan hệ giữa bã nhờn và mụn

Tuyến bã nhờn giúp giữ ẩm cho làn da, tuy nhiên vấn đề “bài tiết bã nhờn quá mức” sẽ khiến da gặp rắc rối. “Bã nhờn” thường có ấn tượng xấu vì vấn đề gây ra mụn, nhưng nó lại là yếu tố rất cần thiết bảo vệ độ ẩm giúp da tươi trẻ, đàn hồi và căng mịn. Bã nhờn được tạo ra sâu bên trong làn da và được đưa đến bề mặt qua da thông qua lỗ chân lông, sau đó nó trở thành lớp màng chắn bảo vệ sự bay hơi của nước và chống lại các tác nhân gây hại từ bên ngoại, nó hoạt động để bảo vệ độ ẩm của làn da. Tuy nhiên, một khi bã nhờn được tiết ra quá mức và tích tụ trong lỗ chân lông, nó sẽ trở thành thức ăn của vi khuẩn gây mụn, từ đó dẫn đến tình trạng nổi mụn của da.

Điều quan trọng chính là cân bằng lượng bã nhờn tiết ra và luôn giữ cho lỗ chân lông thông thoáng, việc này không những ngăn ngừa mụn mà còn giúp bạn dễ dàng sở hữu làn da căng mọng đàn hồi đáng mơ ước nữa.

Vi khuẩn gây mụn

Vi khuẩn này có trên da từ trước và chúng cũng được xem là loại vi khuẩn có lợi. Tuy là một trong những nguyên nhân gây mụn nhưng chúng không chỉ tồn tại dưới làn da mụn, ngay cả da khỏe vẫn có sự xuất hiện của chúng. Khi da xảy ra tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông, do sự hoạt động của bã nhờn quá mức khiến vấn đề vệ sinh không đảm bảo, chúng sinh sôi một cách nhanh chóng và gây ra viêm nhiễm, từ đó khiến mụn xuất hiện.

Để bảo vệ làn da đẹp không tì vết, một trong những việc quan trọng chính là giữ gìn lỗ chân lông thông thoáng, ngăn ngừa khả năng sinh sôi của vi khuẩn gây mụn này.

Sẹo mụn

Ngay cả khi mụn được chữa khỏi, dấu vết của chúng vẫn lưu lại trên làn da của bạn. Sau khi mủ được lấy ra ngoài hoặc hấp thụ ngược vào trong, nốt mụn bị viêm nhiễm sẽ từ từ lành lại. Tuy nhiên, khủng khiếp hơn là chúng để lại sẹo mụn hoặc những đốm sắc tố đen sạm (thâm nám) rất lâu mờ đi hoặc rất khó để xóa hoàn toàn. Đặc biệt là những loại mụn có xảy ra tình trạng viêm nhiễm nặng, tích tụ mủ đỏ và sưng tấy rất dễ để lại sẹo và thâm nám nên bạn cần cẩn thận hơn cả.

Dấu vết của mụn sẽ gây ra tâm lí chán nản, khiến bạn mất tự tin mỗi lần nhìn vào gương hoặc đi ra ngoài. Vì vậy, bạn nên cố gắng hết sức có thể để chăm sóc chúng và cố gắng tránh dùng tay nặn mụn cũng như các kích thích bằng tia tử ngoại.

Cả khi đang chữa trị mụn hoặc khi mụn đã lành, chúng vẫn để lại những dấu vết mất thẩm mỹ và gây tổn hại trực tiếp cho làn da của bạn. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc da, đặc biệt là các bạn hay sử dụng các sản phẩm trang điểm, hãy quan tâm đến tình trạng của da, kiểm tra kĩ càng và có biện pháp điều trị mụn phù hợp với từng giai đoạn và nguyên nhân gây mụn. Hãy bảo vệ làn da khỏe mạnh không nổi mụn nào!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *